Câu hỏi 29. Thế nào là bí mật kinh doanh?
Trả lời: Bí mật kinh doanh là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Không phải là hiểu biết thông thường.
Khi sử dụng trong kinh doanh tạo cho người nắm giữ thông tin có lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.
Được chủ thông tin bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được (Điều 84 Luật SHTT).
Sở hữu bí mật kinh doanh tự động xác lập khi có đủ các điều kiện trên.
Câu hỏi 30. Tên thương mại, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý có vai trò như thế nào trong hoạt động của doanh nghiệp?
Trả lời: Các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên có vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể:
Liên quan đến pháp luật: Là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về sở hũu công nghiệp. Doanh nghiệp có thể có quyền trong phạm vi, thời hạn nhất định, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ nhất định. Trong trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp có thể gập rắc rối hoặc bị thiệt hại do các hành vi của mình có liên quan đến các đối tượng này.
Liên quan đến kinh tế:
- Khả năng cạnh tranh.
- Tăng giá trị của hàng hoá trong khi giá trị vật chất không thay đổi.
- Không có biện pháp và hành động phù hợp thì giá trị xói mòn và bị triệt tiêu, thiệt hại về kinh tế.
Câu hỏi 31. Tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Trả lời: Tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là một thành tố góp phần vào sự phát triển và sự thành đạt của doanh nghiệp. Các đối tượng sở hữu công nghiệp này được coi là yếu tố đầu tiên và quan trọng trong chiến lược xâm nhập và mở rộng thị trường. Trong nhiều trường hợp quyết định sự thành, bại của doanh nghiệp trên thị trường mới. Các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên có tác dụng:
- Chức năng nhận biết (phân biệt), các đối tượng nói trên luôn được nhận biết bằng thị giác (thông qua màu sắc nhãn hiệu), thính giác (âm thanh) một cách rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn theo sở thích.
- Làm cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và sức lực trong việc lựa chọn và mua sản phẩm theo mục đích và sở thích của họ.
- Đảm bảo hoặc sự tin cậy giúp người tiêu dùng tìm ra chất lượng ổn định của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu, tên thương mại quen thuộc dù mua ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.
- Đảm bảo cho ngưòi tiêu dùng có thể mua sản phẩm hoặc thuê dịch vụ tốt nhất, đảm bảo nhất trong cùng một loại.
- Cá tính hoá, tính cách, hình ảnh riêng cho từng người tiêu dùng trong con mắt của người khác. Tạo phong cách riêng cho người tiêu dùng và từ đó làm cho họ yêu thích hàng hoá mang nhãn hiệu đó.
- Tính liên tục được quan niệm là người tiêu dùng hài lòng với một sản phẩm mang tên thương mại, nhãn hiệu mà họ đang sử dụng nhiều năm.
- Khía cạnh đạo đức là sự hài lòng của người tiêu dùng với chủ nhãn hiệu và mối liên hệ của chúng với xã hội (quảng cáo hấp dẫn).
Câu hỏi 32. Giống cây trồng mới là gì?
Trả lời: Giống cây trồng mới là một quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết bằng sự biểu hiện của các tính trạng do các kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được (Điều 4.24 Luật SHTT).
Giống cây trồng mới được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bao gồm: hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm, rong tảo và vi tảo.
Câu hỏi 33. Các đối tượng nào được bảo hộ là giống cây trồng mới?
Trả lời: Các đối tượng được bảo hộ là giống cây trồng mới đồng thời thoả mãn các điều kiện gồm:
Có trong danh mục loài cây trồng được nhà nước bảo hộ.
Có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định.
Có tính mới của giống cây trồng về mặt thương mại.
Có tên phù hợp quy định gồm: mỗi giống cây trồng mới chỉ được đặt một tên phù hợp, khi công nhận thì tên đó trở thành tên chính thức, duy nhất dùng trong cac hoạt động liên quan đến giống cây trồng đó. Tên giống phải dễ dàng phân biệt với tên của các giống cây trồng khác cùng loài (Điều 158 Luật SHTT).
Câu hỏi 34. Đề nghị cho biết các đặc tính của giống cây trồng mới?
Trả lời: Các đặc tính của giống cây trồng mới được hiểu như sau:
Tính khác biệt: Một giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với giống cây trồng khác đã được biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm nộp đơn yêu cầu bảo hộ, hoặc ngày ưu tiên.
Tính đồng nhất: Một giống cây trồng được coi là đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, ngoại trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.
Tính ổn định: Một giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống.
Tính mới: Một giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền nộp đơn đăng ký bán hoặc phân phối với mục đích kinh doanh giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn 1 năm, trường hợp ngoài lãnh thổ Việt Nam là 6 năm (Điều 159, Điều 160, Điều 161, Điều 162 Luật SHTT).
Câu hỏi 35. Phải tiến hành những thủ tục gì để xác lập chủ quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Các đối tượng sở hữu công nghiệp ngay khi sáng tạo, hình thành phải tiến hành đăng ký bảo hộ theo trình tự sau:
Nộp đơn: Tờ khai đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp với các thông tin: Tên và địa chỉ người đứng đơn; tuỳ thuộc đối tượng sở hữu công nghiệp mà kèm theo mẫu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản mô tả sáng chế hoặc bản thiết kế và các tài liệu khác (theo hướng dẫn trong hồ sơ đơn nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ phù hợp từng loại đối tưọng sở hữu công nghiệp) và kèm theo lệ phí theo quy định.
Chủ thể có thể trực tiếp nộp đơn hoặc thông qua người đại diện.
Xử lý đơn: Là công việc của Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn phải qua giai đoạn thẩm định. Trong quá trình thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ có thể có các yêu cầu bổ sung và từ chối chấp nhận đơn. Tổ chức, cá nhân người nộp đơn có thể khiếu nại, tố cáo những vi phạm trong qua trình tiếp nhận, thẩm định đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.
Cấp văn bằng bảo hộ: Nếu đơn đạt yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ.
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền trong phạm vi bảo hộ ghi tại văn bằng theo quy định của pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Trong thời gian văn bằng bảo hộ có hiệu lực, người khác không được phép sử dụng các đối tượng này nếu không được chủ văn bằng cho phép, trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định (Điều 108, Điều 109, Điều 118 Luật SHTT).
Câu hỏi 36. Thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật đảm bảo độc quyền khai thác nhằm mục đích thương mại trong thời gian hiệu lực của văn bằng bảo hộ được quy định như sau:
Đối với sáng chế là 20 năm.
Đối với giải pháp hữu ích là 10 năm.
Đối với kiểu dáng công nghiệp tối đa là 15 năm
Đối với nhãn hiệu là 10 năm, nhưng có thể được gia hạn liên tiếp 10 năm 1 lần và không giới hạn số lần gia hạn. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị đình chỉ hiệu lực theo yêu cầu của người khác trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu đó trong 5 năm liên tục. Giấy chứng nhận này cung có thể bị huỷ bỏ hiệu lực theo yêu cầu của người khác trong trường hợp Giấy chứng nhận này được cấp cho ngươì không có quyền nộp đơn đăng ký hoặc nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.
Đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp có giá trị từ ngày cấp đến ngày sớm nhất trong những này sau:
Ngày kết thúc 10 năm, kể từ ngày được cấp văn bằng. hoặc ngày kết thúc 10 năm kể từ ngày người có quyền nộp đơn, hoặc người được người có có quyền nộp đơn cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào, hoặc ngày kết thúc 15 năm (Điều 93 Luật SHTT).
Câu hỏi 37. Nhãn hàng hoá là gì?
Trả lời: Nhãn hàng hoá là bản viết, bảng in, hình ảnh, dấu hiệu in chìm, in nổi trực tiếp hoặc được dán, đính, cài chắc chắn trên hàng hoá hoặc bao bì để thể hiện các thông tin cần thiết, chủ yếu về hàng hoá (thông tin này theo quy định gồm một số nội dung như: tên hàng hoá, địa chỉ sản xuất, thành phần, công dụng, cách sử dụng, thời hạn sử dụng….).
Nhãn hàng hoá không phải là đối tượng sở hữu công nghiệp, không được bảo hộ, không phải đăng ký mà chỉ công bố (Nghị định 89/2006/NĐ-CP).
Câu hỏi 38. Cần lưu ý gì khi đầu tư cho các đối tượng sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Từ lợi ích cơ bản của sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cần phải xây dựng chiến lược đầu tư cho các đối tượng này:
Đầu tư vào sản xuất, nghiên cúu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra ưu thế về công nghệ, để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp mới.
Đầu tư vào nghiên cứu và điều tra thị trường nhằm thăm dò, nhận xét về thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng, phong cách sống, nhằm xác định những sự đổi mới trong tiêu dùng trong từng giai đoạn.
Đầu tư cho việc đưa thông tin đến người tiêu dùng nhằm khuyến khích tính độc đáo của tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tạo ra sự vượt trội (sự nhận biết) đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình so với người khác. Nếu thiếu sự quảng cáo thì không phát huy được giá trị tiềm ẩn của các đối tượng này, không làm cho người khác biết. Đầu tư cho các đối tượng này chỉ sinh lợi nếu như thông tin nhanh chóng về đến được với quảng đại công chúng.
Vì vậy cần đánh giá, nghiên cứu, có chiến lược quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp sao cho có hiệu quả.
Câu hỏi 39. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Trả lời: Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Việc chuyển nhượng quyền này phải thực hiện bởi hình thức hợp đồng bằng văn bản gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.
Có một số hạn chế trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như:
Chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trong phạm vi được bảo hộ.
Quyền sử dụng chỉ dẫn điạ lý không được chuyển nhượng.
Quyền sở hữu tên thương mại chỉ được chuyển nhượng kèm theo toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh với tên thương mại đó.
Quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng nếu không gây sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đó. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển giao cho tổ chức cá nhân đáp ứng điều kiện đối vói người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó (Điều 138, Điều139 Luật SHTT).
Câu hỏi 40. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là gì?
Trả lời: Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
Việc chuyển quyền sử dụng cũng phải thực hiện bởi hình thức hợp đồng bằng văn bản gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
Việc chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp phải tuân thủ:
Không được chuyển giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại.
Không được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
Bên được chuyển giao quyền sử dụng không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
Bên được chuyển quyền có nghĩa vụ ghi trên hàng hoá, bao bì hàng hoá việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ phải sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế (Điều 142, Điều 143 Luật SHTT).
Câu hỏi 41. Đề nghị cho biết các dạng của hợp đồng sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có các dạng sau:
Hợp đồng độc quyền là hình thức hợp đồng mà theo đó bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp ở phạm vi và trong một thời hạn nhất định do hai bên thoả thuận. Bên chuyển quyền không có quyền chuyển giao cho bên thứ ba và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
Hợp đồng không độc quyền là hình thức hợp đồng mà theo nội dung hợp đồng, ở phạm vi và trong một thời hạn chuyển giao quyền do hai bên thoả thuận, bên nhận không được độc quyền đối tượng sở hữu công nghiệp. Có nghĩa là bên giao quyền sử dụng vẫn có quyền sử dụng hoặc cho người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đã được chuyển giao.
Hợp đồng thứ cấp là hợp đồng mà theo đó thì bên chuyển giao quyền sử dụng chính là bên nhận trong một hợp đồng trước đó, nay được tiếp tục chuyển giao quyền sử dụng theo một hợp đồng khác (Điều 143 Luật SHTT).
Để chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền tiến hành đàm phán về nội dung hợp đồng và ký kết Hợp đồng bằng văn bản với nội dung và hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Sau đó tiến hành đăng ký hợp đồng chuyển giao với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký là thủ tục bắt buộc để Hợp đồng chuyển giao có hiệu lực pháp lý. Việc ký kết hợp đồng chuyển giao mà không đăng ký thì không được pháp luật thừa nhận (Điều 148.1.2 Luật SHTT).
Câu hỏi 42. Việt Nam dã tham gia các Công ước về sở hữu trí tuệ nào?
Trả lời: Cho đến thời điểm 12/2006, Việt Nam đã tham gia các hiệp ước, công ước sau:
Việt Nam đã là thành viên: Công ước Pari bảo hộ Sở hữu công nghiệp, Công ước Sockholm về thành lập WIPO, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá. Hiệp ước PCT về sáng chế. Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây mới (Công ước UPOV).
Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tham gia: Hiệp ước Washington về SHTT đối với mạch tích hợp (Hiệp ước IPIC-1989) “Hiệp ước Luật NHHH” (Hiệp ước TLT); Hiệp ước BUDAPEST về công nhận quốc tế đối với nộp lưu các chủng vi sinh nhằm mục đích xét nghiệm sáng chế (Hiệp ước BUĐAPEST).
Về quyền tác giả, Việt Nam đã tham gia Công ước Bern (tác phẩm văn học và nghệ thuật). Công ước Rome (phát sóng), Công ước Gionevo (bản ghi âm), đến nay chưa tham gia UCC, Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về biểu diễn/ghi âm (WPPT).
Thứ Sáu, 11:08 29/06/2012
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội