Ngày 3.12.2013, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động KH&CN về quỹ gen giai đoạn 2001-2013. Đến dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các bộ/ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, sở KH&CN, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn trên cả nước...
Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di truyền, hơn 10 năm qua, Nhà nước đã ban hành tương đối đầy đủ khung pháp lý liên quan đến bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Trước năm 2010, nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen chỉ tập trung vào việc bảo tồn, lưu giữ và sử dụng nguồn gen như một nguồn vật liệu cho công tác giống. Sau năm 2010, nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen được thực hiện với 2 cấp quản lý (cấp nhà nước, cấp bộ/tỉnh), bao gồm 3 loại hình: bảo tồn nguồn gen, khai thác và phát triển nguồn gen, đánh giá di truyền nguồn gen. Về đầu tư tài chính, trước năm 2000, kinh phí cho hoạt động KH&CN quỹ gen toàn quốc chỉ khoảng 2-5 tỷ đồng; giai đoạn 2001-2009, kinh phí cho Chương trình quỹ gen quốc gia 15-20 tỷ đồng/năm và chỉ cấp cho các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen. Từ năm 2010, với việc thực hiện nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen cấp nhà nước, ngân sách của Nhà nước cấp cho hoạt động quỹ gen đã tăng lên đáng kể (kinh phí thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp nhà nước năm 2012 là 35 tỷ đồng, năm 2013 là 60 tỷ đồng). Kết quả điều tra thu thập nguồn gen trong hơn 10 năm qua là: gần 9.000 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 60 loài thuộc nguồn gen cây lâm nghiệp, gần 500 loài nguồn gen cây dược liệu, 55 giống vật nuôi, 75 giống thủy sản và gần 2.800 chủng vi sinh vật.
Với việc sử dụng và khai thác phát triển nguồn gen, tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nghiên cứu, phục tráng, bình tuyển và mở rộng sản xuất thành công một số giống lúa, đậu tương, rau, khoai lang ăn củ, khoai lang ăn lá... Nhiều nguồn gen đặc sản về vật nuôi đã được khai thác và phát triển như lợn Mán (Hòa Bình), Sóc (Tây Nguyên), lợn Lũng Pù và Hung (Hà Giang), lợn Lửng (Phú Thọ), lợn Mẹo (Nghệ An), gà Mía (Sơn Tây, Hà Nội), Kỳ lừa (Lạng Sơn)... Đã thành công trong việc lai tạo, chọn giống đối với nguồn gen thủy sản như cá chép, rô phi, cá tra...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KH&CN về quỹ gen trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, như: chưa xác định được ưu tiên trong bảo tồn các đối tượng nguồn gen; mức độ xói mòn nguồn gen trong tự nhiên, sản xuất và trong lưu giữ bảo quản còn cao; thiếu các nghiên cứu cơ bản để cải tiến phương pháp lưu giữ, bảo tồn; tiến trình mô tả đánh giá còn rất chậm dẫn đến hạn chế trong khai thác sử dụng; thiếu nguồn nhân lực KH&CN và kinh phí cho công tác quỹ gen...
Nguồn: http://tchdkh.org.vn
Thứ Hai, 14:20 09/12/2013
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội