Khái niệm về sáng chế/giải pháp hữu ích

1. Sáng chế/giải pháp hữu ích là gì?

Sáng chế/giải pháp hữu ích là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người tạo ra chứ không phải là những gì (đã tồn tại trong thiên nhiên) được con người phát hiện ra.

Thuộc tính cơ bản của sáng chế/giải pháp hữu ích là đặc tính kỹ thuật bởi vì sáng chế/giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật, tức là biện pháp kỹ thuật giải quyết một vấn đề.

Sáng chế/giải pháp hữu ích có thể được thể hiện dưới 5 dạng sau đây:

Cơ cấu là tập hợp các chi tiết có chức năng giống nhau hoặc khác nhau, liên kết với nhau để thực hiện một chức năng nhất định, ví dụ: công cụ, máy móc, thiết bị, chi tiết máy, cụm chi tiết máy, các sản phẩm khác v.v..;

Chất là tập hợp các phần tử có quan hệ tương hỗ với nhau, được đặc trưng bởi sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử tạo thành và có chức năng nhất định. Chất có thể là hợp chất hoá học, hỗn hợp chất, ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm;

Phương pháp là quy trình thực hiện các công đoạn hoặc hàng loạt các công đoạn xảy ra cùng một lúc hoặc liên tiếp theo thời gian, trong điều kiện kỹ thuật xác định nhờ sử dụng phương tiện xác định, ví dụ: phương pháp hoặc quy trình sản xuất, xử lý, khai thác, đo đạc, thăm dò,…;

Vật liệu sinh học là vật liệu có chứa các thông tin di truyền, có khả năng tự tái tạo hoặc được tái tạo trong hệ thống sinh học, ví dụ như: tế bào, gen, cây chuyển gen;

Sử dụng một cơ cấu (hoặc một chất, một phương pháp, một vật liệu sinh học) đã biết theo chức năng mới là sử dụng chúng với chức năng khác với chức năng đã biết, ví dụ sử dụng phomat làm thuốc chữa bệnh đau răng.

Sáng chế/giải pháp hữu ích là thành quả lao động sáng tạo trí tuệ của con người, vì vậy, được Nhà nước bảo hộ dưới hình thức thừa nhận và bảo vệ quyền của người đã tạo ra nó.

Sáng chế/giải pháp hữu ích được bảo hộ là những giải pháp kỹ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ nhất định:

Các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế: có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng.

· Các đối tượng sau đây không được Nhà nước bảo hộ:

ý đồ, nguyên lý và phát minh khoa học;

phương pháp và hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế;

phương pháp và hệ thống giáo dục, giảng dạy, đào tạo;

phương pháp luyện tập cho vật nuôi;

hệ thống ngôn ngữ, hệ thống thông tin, phân loại, sắp xếp tư liệu;

bản thiết kế và sơ đồ quy hoạch các công trình xây dựng, các đề án quy hoạch và phân vùng lãnh thổ;

giải pháp chỉ đề cập đến hình dáng bên ngoài của sản phẩm, chỉ mang đặc tính thẩm mỹ mà không mang đặc tính kỹ thuật;

ký hiệu quy ước, thời gian biểu, các quy tắc và các luật lệ, các dấu hiệu tượng trưng;

phần mềm máy tính, thiết kế bố trí vi mạch điện tử, mô hình toán học, đồ thị tra cứu và các dạng tương tự;

giống thực vật, giống động vật;

phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người, động vật;

quy trình mang bản chất sinh học (trừ quy trình vi sinh) để sản xuất thực vật và động vật;

các đối tượng trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo.

2. Đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích là gì và có ý nghĩa gì?

Sáng chế/giải pháp hữu ích là thủ tục hành chính do Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành để xác lập quyền sở hữu của chủ thể nhất định đối với sáng chế/giải pháp hữu ích.

· Hình thức đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích là ghi nhận sáng chế/giải pháp hữu ích và Chủ sở hữu vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế/giải pháp hữu ích và cấp Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho Chủ sở hữu.

Sáng chế/giải pháp hữu ích được đăng ký trên cơ sở kết quả xem xét Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ căn cứ vào các quy định pháp luật về hình thức và nội dung đơn.

Quyền sở hữu đối với sáng chế/giải pháp hữu ích chỉ được xác lập theo thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu sáng chế/giải pháp hữu ích đã đăng ký được pháp luật bảo đảm độc quyền khai thác sáng chế/giải pháp hữu ích nhằm mục đích thương mại trong thời hạn bảo hộ (20 năm đối với sáng chế và 10 năm đối với giải pháp hữu ích). Trong thời gian đó, bất kỳ người thứ ba nào khai thác sáng chế/giải pháp hữu ích mà không được phép của Chủ sở hữu sẽ bị coi là xâm phạm quyền của Chủ sở hữu và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

3. Ai có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích?

Những người sau đây có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:

Tác giả (tức là người tạo ra sáng chế/giải pháp hữu ích bằng trí tuệ), nếu tác giả tự đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất để tạo ra sáng chế/giải pháp hữu ích; hoặc

Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả, nếu sáng chế/giải pháp hữu ích được tạo ra do tác giả sử dụng kinh phí, phương tiện vật chất đó; hoặc

Tổ chức, cá nhân ký hợp đồng thuê việc với tác giả, nếu sáng chế/giải pháp hữu ích được tạo ra do thực hiện hợp đồng thuê việc và trong hợp đồng thuê việc không có thoả thuận khác; hoặc

Tổ chức nơi tác giả làm việc, nếu sáng chế/giải pháp hữu ích được tác giả tạo ra do thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao.

Tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn có thể chuyển giao hoặc để thừa kế quyền nộp đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

4. Bạn cần lưu ý gì trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích?

Để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc đầu tư cho việc nộp đơn, cần phải cân nhắc khả năng được cấp Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích:

Liệu đối tượng dự định đăng ký có phải là giải pháp kỹ thuật hay không, tức là có thể xếp nó vào một trong số các dạng của sáng chế/giải pháp hữu ích nêu ra tại điểm 1 trên đây hay không?

Liệu đối tượng dự định đăng ký có thuộc danh mục các đối tượng được bảo hộ hay không?

Liệu đối tượng dự định đăng ký có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích hay không?

Để đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của sáng chế/giải pháp hữu ích, bạn cần tra cứu mọi nguồn thông tin có thể có - đặc biệt là thông tin sáng chế để tìm ra sáng chế/giải pháp hữu ích có bản chất kỹ thuật gần nhất với đối tượng dự định đăng ký và so sánh với giải pháp kỹ thuật của bạn.

Bạn có thể tự mình hoặc sử dụng dịch vụ của Cục Sở hữu trí tuệ để tra cứu thông tin về sáng chế/giải pháp hữu ích từ các nguồn sau đây:

Công báo sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;

Đăng bạ quốc gia về sáng chế/giải pháp hữu ích được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ;

Bản mô tả sáng chế của các quốc gia thu thập được và lưu giữ tại Trung tâm Thông tin và Tư liệu sở hữu công nghiệp thuộc Cục Sở hữu trí tuệ;

Để khẳng định có nên đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, bạn cần cân nhắc khả năng đem lại lợi ích thực sự của Bằng độc quyền:

Liệu đối tượng dự định đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có tiềm năng thương mại hay không?

Bản thân bạn có khả năng hoặc có ai sẵn sàng áp dụng đối tượng dự định đăng ký hay không?

Việc áp dụng đó có mang lại lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế hay không?

Liệu có đáng phải đánh đổi bí mật về đối tượng dự định đăng ký để lấy khả năng được cấp Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích hay không?

Để có thể giành được độc quyền khai thác đối tượng đăng ký bạn phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của đối tượng đó. Trong khi đó, nếu bạn có thể giữ được đối tượng trong vòng bí mật ngay cả khi sản phẩm chứa đối tượng đó được lưu hành công khai thì bạn vẫn chiếm được ưu thế cạnh tranh so với những ai không có bí mật đó.

  • Thứ Sáu, 17:40 22/06/2012

Tags: