Khoa học công nghệ đóng góp 45% giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Ảnh: Ánh Tuyết |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học công nghệ đóng góp 45% giá trị gia tăng cho nông nghiệp với trên 80% diện tích đất canh tác lúa, ngô, mía, bông được sử dụng giống mới; 45% đàn bò, 65% đàn lợn được sử dụng giống lai; gần 200 quy trình kỹ thuật được công nhận và đưa vào áp dụng trong sản xuất.
Việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã được triển khai trong bốn lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Năng lượng nguyên tử, cho biết thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả về ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nông nghiệp, đặc biệt là chiếu xạ thực phẩm và công nghệ đột biến phóng xạ.
"Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đánh giá Việt Nam là nước đứng thứ tám trên thế giới về chiếu xạ đột biến, với nhiều giống lúa, đậu tương", ông Tuấn nói và cho biết nhiều công nghệ có triển vọng phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý đất, nước, dinh dưỡng cây trồng, áp dụng kỹ thuật tiệt sinh côn trùng, bảo vệ mùa màng cũng đang được nghiên cứu, triển khai ở Việt Nam.
Khẳng định nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu nhờ khoa học công nghệ, nhưng các chuyên gia cho rằng tiềm năng phát triển của ngành này còn rất nhiều nếu đẩy mạnh thương mại hóa và ứng dụng công nghệ.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao, nếu không thay đổi mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực; sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Bà Bùi Thị Huy Hợp, tư vấn của một doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần thay đổi phương thức mua bán, chuyển từ kết nối dịch vụ truyền thống sang mua bán, kết nối dịch vụ online bởi xu hướng tiêu dùng trên thế giới và Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ với việc sử dụng wifi, các thiết bị thông minh.
"Mô hình kinh tế chia sẻ với các hình thức thanh toán điện tử như sử dụng Blockchain chạy trên nền tảng điện thoại thông minh và máy tính bảng đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, giúp tiết kiệm chi phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ mỗi ngày", bà Hợp lấy ví dụ.
Theo Vnexpress.net