Nghiệm thu 02 đề tài KH&CN cấp trường lĩnh vực Điện tử
Ngày 8/3/2024, Hội đồng nghiệm thu đề tài KH& CN trường Đại học Công nghiệp Hà Nội do PGS.TS. Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường - Chủ tịch Hội đồng đã nghiệm thu 02 đề tài của 2 nhóm nghiên cứu Khoa Điện tử thực hiện.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường - Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu.
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao độ chính xác định vị trong nhà sử dụng kỹ thuật học máy và nhận dạng” do TS. Hoàng Mạnh Kha làm chủ nhiệm. Hiện nay, nghiên cứu hệ thống định vị trong nhà là rất cần thiết. Đã có nhiều công trình nghiên cứu công bố về định vị trong nhà, tuy nhiên đề xuất giải pháp để nâng cao trình độ chính xác, giảm độ phức tạp của hệ thống định vị trong nhà vẫn còn là bài toán mở cho các nhà nghiên cứu. Nhóm tác giả áp dụng kỹ thuật học máy để ước lượng độ dài bước chân, từ đó nâng cao độ chính xác của hệ thống định vị dùng kỹ thuật định vị tự trị - PDR (là một trong số các kỹ thuật định vị trong nhà được áp dụng rộng rãi do không cần tham chiếu tới các tín hiệu ngoài).
TS. Bồ Quốc Bảo, UV Hội đồng nhận xét.
Do vậy, đề tài rất cần thiết trong việc phát triển học thuật, áp dụng vào việc dạy và học một số học phần trong chương trình đào tạo tại khoa Điện tử, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Các sản phẩm của đề tài đã được nhóm nghiên cứu hoàn thiện theo đúng đăng kí. Kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố trên tạp chí Journal of Communications (Scopus, Q3). Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá.
Đề tài “Thiết kế mô hình mô phỏng hệ thống phân phối khóa lượng tử không dây FSO - QKD hỗ trợ đa người dùng sử dụng công nghệ đa truy nhập quang phân chia theo mã OCDMA” do TS. Phan Thị Thu Hằng làm chủ nhiệm. Phân phối khóa lượng tử (QKD) trong truyền thông lượng tử là phương pháp phân phối khóa bí mật dựa trên vật lý lượng tử thay thế cho độ phức tạp của thuật toán toán học trong phân phối khóa truyền thống. Dữ liệu gửi được mã hóa dưới dạng các bit cổ điển qua mạng, trong khi các khóa để giải mã thông tin được mã hóa và truyền ở trạng thái lượng tử bằng cách sử dụng qubit. Phân phối khóa lượng tử không dây (FSO-QKD) sử dụng vệ tinh để phân phối khóa tới các trạm mặt đất thông qua kênh quang không gian tự do (FSO) là giải pháp kết nối mạng QKD toàn cầu.
TS. Phan Thị Thu Hằng trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất hệ thống truyền dẫn khóa lượng tử là giải pháp nâng cao độ an toàn, bảo mật hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Giải pháp đề xuất có thể áp dụng cho các hệ thống truyền dữ liệu với quy mô lớn trong phạm vi quốc gia hay toàn cầu có yêu cầu tính bảo mật cao.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố trên tạp chí Optics Continuum (Scopus, Q2).
TS. Lê Văn Thái - UV Hội đồng nhận xét.
Hội đồng đánh giá đề tài có bố cục hợp lý, nội dung trình bày khoa học, là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá.
Thứ Sáu, 16:13 08/03/2024
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội