Ngày 15/5/2015, Nhà trường đã tổ chức nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường “Nghiên cứu chế tạo, tính chất và ứng dụng của nanocompozit polyanilin montmorillonit trong hấp thụ sóng điện từ” và “Tổng hợp và đặc trưng xúc tác Niken trên chất mang SiO2 để định hướng trong nâng cấp dầu sinh học”.
• Đề tài “Nghiên cứu chế tạo, tính chất và ứng dụng của nanocompozit polyanilin montmorillonit trong hấp thụ sóng điện từ” do TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Giảng viên Khoa Công nghệ Hóa làm chủ nhiệm.
TS. Nguyễn Ngọc Thanh báo cáo kết quả nghiên cứu
Bằng phương pháp trùng hợp monome anilin và montmorillonit (clay) dùng chất oxi hóa (NH4)2S2O8, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp được 03 mẫu nanocompozit polyanilin montmorillonit với tỷ lệ anilin/clay là 5%, 10%, 15%. Sau đó, tính chất của vật liệu mẫu tạo thành được nghiên cứu bằng phương pháp phổ IR, phân tích nhiệt khối lượng TGA, SEM, XRD.
Đồng thời, tác giả đã nghiên cứu, thử nghiệm khả năng hấp thụ sóng điện từ của 03 mẫu vật liệu, kết quả cho thấy khả năng hấp thụ khá tốt khoảng 67,36 - 92,55% ở cường độ sóng trong vùng 8 - 12GHz.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có tính thực tiễn, khoa học và cơ bản hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu đề ra. Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá đề tài đạt loại Khá.
• Đề tài “Tổng hợp và đặc trưng xúc tác Niken trên chất mang SiO2 để định hướng trong nâng cấp dầu sinh học” do ThS. Vũ Thị Hòa - Giảng viên Khoa Công nghệ Hóa làm chủ nhiệm.
Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả
Dầu sinh học có độ axit cao (pH = 2,5), hàm lượng oxi cao (20 - 40%), độ ổn định và nhiệt trị thấp hơn nhiên liệu hóa thạch. Để dầu sinh học có thể thay thế được nhiên liệu hóa thạch thì yêu cầu phải nâng cấp dầu sinh học bằng cách loại bỏ oxi trong các hợp chất có trong dầu sinh học. Quá trình HDO là một trong những phương pháp hiệu quả, để nâng cao hiệu quả của quá trình HDO cần sử dụng các xúc tác kim loại quý, đắt tiền như: Pd/Al2O3, Pd/C, Pt/C,… Gần đây, xu hướng thay thế kim loại quý bằng Ni, Cu được các nhà nghiên cứu quan tâm và chỉ ra rằng Ni, Cu làm thúc đẩy quá trình HDO.
Bằng phương pháp Sol-gel và phương pháp tẩm, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp thành công xúc tác trên cơ sở Ni và tìm hiểu đặc trưng xúc tác và đánh giá hoạt tính của các mẫu xúc tác bằng phản ứng hydro đề oxi hóa guaiacol. Đây chính là cơ sở để nhóm nghiên cúu tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm nâng cấp dầu sinh học.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có tính thực tiễn, khoa học cao có thể áp dụng vào thực tế mang lại nhiều lợi ích. Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc.
Thứ Hai, 15:42 18/05/2015
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội