Nghiệm thu 2 đề tài NCKH cấp Trường lĩnh vực Điện tử
Ngày 18/2/2025, Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp Trường đã tiến hành nghiệm thu 2 đề tài lĩnh vực Điện tử. PGS.TS Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng.
“Nghiên cứu phát triển giải pháp dùng học máy cải thiện độ chính xác trong định vị trong nhà” (Indoor Positioning Systems - IPS) là tên đề tài do TS. Dương Thị Hằng và nhóm nghiên cứu Trường Điện - Điện tử thực hiện. Hệ thống định vị trong nhà hiện nay đang là xu hướng được quan tâm do những ứng dụng hữu ích của nó trong đời sống hàng ngày. Định vị trong nhà là quá trình xác định vị trí của các đối tượng trong một không gian bên trong các tòa nhà, văn phòng, trung tâm mua sắm… mà không có sự phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
PGS.TS. Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu
Kỹ thuật định vị dựa trên tín hiệu Wi-fi được sử dụng phổ biến do hạ tầng WLAN có sẵn ở hầu hết các khu vực trong nhà. Một trong những thách thức lớn của định vị trong nhà là xử lý dữ liệu có độ cao và nhiều nhiễu. Việc sử dụng toàn bộ dữ liệu tín hiệu từ các điểm truy cập Wi-fi có thể dẫn đến việc mô hình học máy phải xử lý một lượng lớn thông tin, gây ra tình trạng quá tải tính toán và ảnh hưởng đến độ chính xác của việc dự đoán vị trí.
TS. Dương Thị Hằng – thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Đề tài “Nghiên cứu phát triển giải pháp dùng học máy cải thiện độ chính xác trong định vị trong nhà”sử dụng phương pháp giảm chiều hiệu quả kết hợp với thuật toán hồi quy láng giềng gần nhất (K-Nearest Neighbors (KNN) để cải thiện độ chính xác trong định vị trong nhà.Với các nội dung nghiên cứu như: Tổng quan về định vị trong nhà và học máy; Mô hình kết hợp tối ưu đặc trưng dữ liệu dùng trong học máy cho định vị trong nhà; Kết quả thực nghiệm và đánh giá, đề tài đã đã có những căn cứ cho bài toán sử dụng các thuật toán học máy dựa trên dữ liệu gốc từ đó quyết định lựa chọn chuẩn hóa dữ liệu thổ hoặc bổ sung các đặc trưng mở rộng cho dữ liệu. Bên cạnh đó đề tài còn đề xuất các giải pháp cải thiện độ chính xác ước lượng vị trí trong nhà sử dụng phương pháp học máy.
Các thành viên Hội đồng đã đánh giá đề tài được triển khai bài bản dựa trên kết hợp tính toán giải pháp và thử nghiệm, thể hiện là công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng cao. Sản phẩm của đề tài có thể phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên ngành kĩ thuật. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu loại Khá.
Đề tài “Thiết kế vi mạch khuếch đại tín hiệu y sinh sử dụng công nghệ CMOS 180 NM” do ThS. Trần Xuân Phương (Trường Điện - Điện tử) và nhóm nghiên cứu thực hiện đã được nghiệm thu cùng ngày.
PGS.TS. Phạm Văn Đông - Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi nghiệm thu
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thiết kế vi mạch khuếch đại có công suất tiêu thụ thấp, trở kháng vào cao, nhiễu thấp ứng dụng trong việc giám sát tín hiệu y sinh, sử dụng công nghệ CMOS trên phần mềm thiết kế chuyên dụng Cadence; Đề xuất cấu trúc vi mạch khuếch đại có công suất tiêu thụ thấp, trở kháng vào cao và nhiễu thấp có khả năng khắc phục các nhược điểm của các vi mạch khuếch đại đã công bố; Thực hiện thiết kế vi mạch khuếch đại sử dụng công nghệ CMOS bằng phần mềm Cadence. Nhóm nghiên cứu đã có 01 bài báo công bố trên kỷ yếu quốc tế trong danh mục Scopus.
ThS. Trần Xuân Phương thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Đề tài được Hội đồng thống nhất nghiệm thu.
Thứ Tư, 15:35 19/02/2025
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội