Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài NCKH tỉnh Thái Bình “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”
Sáng 22/11/2023, đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình” do TS. Bùi Thị Thu Loan làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu cấp cơ sở. PGS.TS. Phạm Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình có đồng chí Nguyễn Xuân Dương - Phó Giám đốc Sở tham dự.
PGS.TS. Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu.
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình” với mục tiêu hệ thống hóa cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về đổi mới sáng tạo (ĐMST) của doanh nghiệp, trên cơ sở đó xác định được các tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới của các doanh nghiệp; xác định các yếu tố nội tại thúc đẩy hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và nhận diện vai trò của các yếu tố thuộc về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động ĐMST; làm rõ những cơ hội, thách thức và hạn chế trong hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy ĐMST trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
TS. Bùi Thị Thu Loan trình bày báo cáo đề tài trước Hội đồng
Đề tài đã kết hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học để chỉ ra một số đặc tính quan trọng về ĐMST của các doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình cũng như nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp trong ĐMST, mức độ ĐMST, rào cản của ĐMST; đề xuất một số tiêu chí đo lường cơ bản về mức độ ĐMST của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó chỉ ra những tiêu chí mà doanh nghiệp của tỉnh đã đạt điểm cao và những tiêu chí chưa đạt điểm cao.
TS. Bùi Hoàng Mai, phản biện 2 nhận xét đề tài
Đề tài là nguồn tài liệu cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp như vai trò của văn hóa tổ chức về đổi mới sáng tạo; vai trò của mối quan hệ đối tác trong ĐMST, vai trò của chiến lược ĐMST, tinh thần doanh nhân trong đổi mới sáng tạo.
PGS. TS Phạm Văn Đông cùng các ủy viên phản biện, ủy viên hội đồng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, đảm bảo thời gian; phương pháp nghiên cứu khoa học, chặt chẽ, đáp ứng được các yêu cầu theo mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra. Đề tài có cơ sở khoa học và thực tiễn cao. Sau khi hoàn thiện, chỉnh sửa theo góp ý nhận xét của Hội đồng, đề tài sẽ là công trình có giá trị cho xây dựng chính sách và cho quản lý doanh nghiệp hướng tới ĐMST của tỉnh Thái Bình đặc biệt là đã chỉ ra được các giải pháp trọng tâm ở khía cạnh doanh nghiệp với chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
PGS.TS. Vũ Minh Tân, Ủy viên hội đồng nhận xét đề tài
Đại diện Sở KH&CN tỉnh Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Xuân Dương đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan của nhóm nghiên cứu và hi vọng sau khi hoàn thiện, đề tài sẽ là một công trình hữu ích, là cơ sở cho việc xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo của tỉnh trong thời gian tới.
PGĐ Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi nghiệm thu
Đề tài được Hội đồng đánh giá xếp loại đạt, đề nghị được nghiệm thu cấp tỉnh.
Thứ Năm, 10:35 23/11/2023
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội