Nghiệm thu đề tài NCKH cấp Trường “ Thu nhận nanocellulose và lignin từ vỏ quả sầu riêng hướng đến ứng dụng thử nghiệm trong lĩnh vực vật liệu”
Đề tài do TS. Trần Ý Đoan Trang- Viện Nghiên cứu HaUI và các cộng sự thực hiện. PGS.TS. Vũ Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Đào tạo sau Đại học làm chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Hoạt động sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp đã tạo ra một lượng lớn chất thải và sản phẩm phụ. Sầu riêng được trồng khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Vỏ sầu riêng chiếm khoảng 60 - 70 trọng lượng quả. Sản lượng và mức tiêu thụ lớn trên thị trường đã tạo ra một lượng chất thải khá lớn, có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
TS. Trần Ý Đoan Trang trình bày báo cáo đề tài trước Hội đồng
Nanocellulose là cellulose dạng cấu trúc nano, đã được xác định là dạng vật liệu “xanh” trong tương lai với nhiều tính chất vượt trội. Do vậy, đề tài có tính cấp thiết mang đến tiềm năng lớn của việc tận dụng vỏ sầu riêng trong sản xuất các vật liệu có giá trị cao góp phần giảm thiểu chất thải nông nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững.
PGS.TS. Vũ Minh Tân - Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu
Hội đồng đã nhận xét, đề tài đáp ứng được các mục tiêu và nội dung đặt ra. Quy trình thu nhận đồng thời nanocellulose và lignin từ vỏ quả sầu riêng được xây dựng rõ ràng với đầy đủ các thông số công nghệ; phương pháp nghiên cứu khoa học, phù hợp với nội dung nghiên cứu như phương pháp thu nhận nanocellulose, lignin, phương pháp phân tích như SEM, TEM, phổ hồng ngoại…để xác định cấu trúc và tính chất của sản phẩm, đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy của kết quả. Kết quả nghiên cứu được trình bày rõ ràng, có đối chiếu, thảo luận với tài liệu tham khảo. Các nguyên vật liệu, hóa chất, thang thiết bị có nguồn gốc xuất xứ rõ nơi sản xuất. Nhóm tác giả đã có 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín quốc tế (Q3).
Đề tài có giá trị thực tiễn góp phần giải quyết bài toán xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tạo tiền đề cho sản xuất vật liệu sinh học từ nguồn nguyên liệu tái tạo, giúp thay thế một phần vật liệu tổng hợp có nguồn gốc hóa dầu trong các lĩnh vực như bao bì phân hủy sinh học, vật liệu composite, vật liệu hấp phụ xử lý nước hoặc vật liệu ứng dụng trong y- sinh học.
Đề tài được nghiệm thu loại Khá./.
Thứ Hai, 13:13 14/04/2025
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội