Ngày 29/7/2015, Nhà trường đã tổ chức nghiệm thu 02 đề tài NCKH cấp trường “Nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ để xử lý asen trong nước ngầm từ bùn đỏ Tây Nguyên”và “Chế tạo điện cực paste ống nano cacbon biến tính bằng Bi2O3 để phân tích đồng thời hàm lượng Cadimi, chì trong mẫu đất, nước bằng phương pháp Vôn - Ampe hòa tan anot xung vi phân”.
• Đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ để xử lý asen trong nước ngầm từ bùn đỏ Tây Nguyên” do ThS. Phạm Thị Mai Hương - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa làm chủ nhiệm.
ThS. Phạm Thị Mai Hương báo cáo kết quả nghiên cứu
Bùn đỏ là chất thải từ quá trình sản xuất nhôm theo công nghệ Bayer, thành phần của bùn đỏ có nhiều ôxit kim loại như: Fe2O3, Al2O3, SiO2,… và có độ pH cao, các thành phẩn này khó phân hủy và gây nhiều tác hại đến môi trường. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu tái chế sử dụng bùn đỏ để giảm thiểu ô nhiễm và dùng bùn đỏ để chế tạo vật liệu hấp phụ trong xử lý ô nhiễm nước là một giải pháp.
Ở Việt Nam, nguồn khoáng sản bôxít rất dồi dào và tập trung trữ lượng lớn ở vùng Tây Nguyên. Bùn đỏ từ các nhà máy sản xuất nhôm từ quặng bôxít ở khu vực này thải ra môi trường rất lớn. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, chế tạo vật liệu hấp phụ từ chất thải này để xử lý asen trong nước ngầm. Sau khi chế tạo được vật liệu hấp phụ, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm khả năng hấp phụ asen đối với một số mẫu nước lấy tại khu vực Hà Nội có hàm lượng asen cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Kết quả cho thấy, vật liệu chế tạo được có khả năng hấp phụ khá tốt, chất lượng nước sau khi xử lý đảm bảo, có hàm lượng asen nhỏ hơn mức cho phép theo quy định.
• Đề tài “Chế tạo điện cực paste ống nano cacbon biến tính bằng Bi2O3 để phân tích đồng thời hàm lượng Cadimi, chì trong mẫu đất, nước bằng phương pháp Vôn - Ampe hòa tan anot xung vi phân” do ThS. Nguyễn Thị Thu Phương - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa làm chủ nhiệm.
TS. Hà Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng điều khiển buổi nghiệm thu
Cadimi, chì có trong đất, nước sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Việc phân tích hàm lượng Cadimi, chì có ý nghĩa quan trọng trong đưa ra các giải pháp xử lý ô nhiễm. Hiện nay, các phương pháp, máy móc phân tích hàm lượng Cadimi, chì có chi phí khá cao.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, chế tạo thành công điện cực paste ống nano cacbon biến tính bằng Bi2O3 để làm điện cực làm việc trong quá trình phân tích hàm lượng Cadimi, chì bằng phương pháp Vôn - Ampe hòa tan anot xung vi phân. Sau khi chế tạo xong điện cực, nhóm nghiên tiến hành lắp đặt lên thiết bị cực phổ VA 797 Computrace của Metrohm (Thụy Sỹ) để phân tích hàm lượng Cadimi, chì trong một số mẫu nước, đất. Kết quả cho thấy, điện cực làm việc với cadimi, chì cho khoảng tuyến tính tương đối rộng, độ nhạy cao, độ lặp lại tốt, giới hạn phát hạn và giới hạn định lượng tốt.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cả hai đề tài có tính khoa học, thực tiễn cao. Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá cả hai đề tài đạt loại Xuất sắc.
Thứ Năm, 14:48 30/07/2015
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội