Nghiệm thu hai đề tài NCKH cấp trường lĩnh vực Hóa học
Chiều 18/1/2024 hai đề tài NCKH cấp trường về lĩnh vực Hóa học đã được nghiệm thu dưới sự chủ trì của PGS.TS. Vũ Minh Tân - Chủ tịch Hội đồng.
Đề tài "Nghiên cứu chế tạo vật liệu nanocomposite thân thiện môi trường trên cơ sở graphene oxide và nanocellulose định hướng ứng dụng làm màng lọc nước nhiễm kim loại nặng" được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh làm chủ nhiệm.
Các kim loại nặng như Asen (III), ion Pb (II) trong môi trường nước có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Do đó, việc nghiên cứu và phát triển vật liệu hấp phụ như Graphene Oxide (GO) và Cellulose vi khuẩn (BC) để loại bỏ hiệu quả các kim loại nặng trong nước là rất cần thiết. Sự kết hợp giữa những vật liệu này sẽ giúp giảm thiểu tác động xấu của ô nhiễm kim loại nặng đồng thời giữ cho nguồn nước sạch, an toàn hơn cho cộng đồng và môi trường.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh trình bày tóm tắt kết quả đề tài nghiên cứu khoa học.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã nhận định các kết quả của đề tài khá phong phú như: Đã chế tạo thành công vi sợi nanocellulose (BC) từ sinh khối thạch dừa bằng phương pháp khuấy cơ học kết hợp với dung siêu âm ở 65o C trong 60 phút; chế tạo thành công được vật liệu nanocomposite trên cơ sở BC kết hợp với GO ở các tỷ lệ thể tích khác nhau; Đã nghiên cứu khả năng hấp phụ ion As (III) và Pb (II) trong dung dịch bằng vật liệu nanocomposite BC/GO ở những điều kiện khác nhau. Việc kết hợp giữa GO và BC làm cải thiện hiệu suất hấp phụ kim loại và làm tăng khả năng loại bỏ chì, Asen trong môi trường nước có hại đến sức khỏe con người.
Ủy viên hội đồng.
Đề tài có tính khoa học và thực tiễn cao, được Hội đồng đánh giá loại Khá.
Đề tài nghiên cứu phân lập một số thành phần hóa học trong hoa của cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) để khảo sát khả năng ức chế enzym Soluble epoxide hydrolase được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do TS. Bùi Thị Thu Trang làm chủ nhiệm.
TS. Bùi Thị Thu Trang trình bày tóm tắt kết quả đề tài nghiên cứu khoa học.
Đề tài tập trung vào nghiên cứu tìm kiếm các hợp chất tự nhiên, có khả năng ức chế enzym sEH có trong Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.). Đây là một loài phân bố nhiều ở Việt Nam như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…Loài này được coi là một thảo dược quý đối với sức khỏe con người. Trong y học cổ truyền cúc hoa vàng được dùng để điều trị cảm lạnh, sốt, thanh nhiệt, viêm mũi…Chính vì vậy, loài này là một trong những đối tượng được các nhà khoa học quan tâm. Các kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy loài này có khả năng kháng viêm, hạ huyết áp và nhiều hợp chất flavonoid, terpenoid.
PGS.TS. Lê Thị Hồng Nhung, UV phản biện 2 nhận xét đề tài.
Enzym she là enzym hòa tan thuộc nhóm enzym Epoxide hydrolase, phân bố nhiều ở gan, mạch máu, tế bào mỡ, cơ trơn và thần kinh. Nó có khả năng liên kết với epoxide và chuyển thành idol tương ứng tạo nên các bệnh lý liên quan đến viêm, bệnh về tim mạch, huyết áp, thần kinh…Chính vì vậy nhóm nghiên cứu đã tìm ra một hướng nghiên cứu mới góp phần làm sáng tỏ các cơ chế tác dụng liên quan đến viêm, ung thư, bệnh tim mạch, gan và các bệnh chuyển hóa khác.
Đề tài được hội đồng đánh giá có tính mới, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá./.
Thứ Sáu, 10:44 19/01/2024
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội