“Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mô hình thiết bị định vị GNSS đo động thời gian thực”
Là đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, lĩnh vực Điện tử do TS. Nguyễn Thị Diệu Linh và nhóm nghiên cứu thực hiện được nghiệm thu chiều 31/01/2024.
TS. Nguyễn Thị Diệu Linh - Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt đề tài trước Hội đồng.
Hệ thống định vị toàn cầu (GNSS) đóng vai trò rất quan trọng trong các ứng dụng khảo sát và dẫn hướng. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của GNSS như: số lượng vệ tinh vào thời điểm quan sát, điều kiện tầng điện ly, chất lượng máy thu. Do đó nhược điểm lớn nhất của GPS là độ chính xác.
Để tăng độ chính xác của GNSS thì công nghệ đo động thời gian thực (RTK) (Real Time Kinematic) là phương pháp tốt nhất và có thể giúp định vị chính xác đến cấp độ Centimet.
Với mong muốn làm chủ công nghệ RTK ứng dụng trong GNSS, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống định vị GNSS đo động thời gian thực.
Với 02 thiết bị định vị GNSS RTK được chế tạo thành công. Bao gồm 01 thiết bị được cấu hình làm trạm Base và 01 thiết bị được cấu hình làm trạm Rove. Hai thiết bị này đã được kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng từng tham số theo bảng yêu cầu kỹ thuật và được hiệu chuẩn bởi phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu và các thành viên hội đồng đã đánh giá cao giá trị khoa học và thực tiễn của đề tài. Trong giai đoạn hiện nay khi hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu phát triển và đóng vai trò quan trọng trong các ứng dụng khảo sát và dẫn hướng thì việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị định vị GNSS đo động thời gian thực để ứng dụng vào thực tế, phục vụ khảo sát, thi công các công trình dân dụng, đo vẽ bản đồ địa chính là rất cần thiết, mang lại hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm chi phí công nghệ, hạn chế nhập khẩu thiết bị nước ngoài.
TS. Bồ Quốc Bảo - Ủy viên phản biện 2 nhận xét.
Thiết bị định vị GNSS RTK do nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo tuy mới dừng lại ở chế tạo mô hình nhưng các thông số kỹ thuật đã khá sát thực tế, hỗ trợ cho việc xử lý số liệu quan trắc chuyển dịch, khảo sát địa hình, phục vụ thành lập bản đồ địa hình địa chính yêu cầu độ chính xác cao. Các sản phẩm của đề tài có thể được áp dụng để phục vụ cho công tác giảng dạy chuyên ngành điện tử viễn thông, trắc địa bản đồ… tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
TS. Tống Văn Luyên - Ủy viên Hội đồng nhận xét.
TS. Bùi Tiến Sơn - Ủy viên Hội đồng nhận xét.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã công bố 02 Báo cáo quốc tế thuộc danh mục Scopus.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá loại Khá./.
Thứ Năm, 15:11 01/02/2024
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội