Xu hướng mới về công nghệ trong lĩnh vực Năng lượng - Điện tử - Tự động hóa
Đó là Chủ đề của Hội thảo khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần thứ nhất (The first National Conference on Energy, Electronics, and Automation - EEA 2024) diễn ra ngày 21/6/2024 tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần thứ nhất
Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 làm thay đổi mọi khía cạnh của xã hội và nền kinh tế. Vai trò của các ngành kỹ thuật như năng lượng, điện tử, tự động hóa đã góp phần quan trọng, không thể thiếu vào sự phát triển của toàn xã hội. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ mới của các ngành này trong nhiều lĩnh vực của đời sống đã giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng, giảm thiểu sai sót và tăng tính an toàn trong quá trình sản xuất và vận hành hệ thống, tạo sự phát triển bền vững, là nguồn động lực to lớn cho sự phát triển của một nền công nghiệp, của một quốc gia.
PGS.TS. Phạm Văn Đông- Phó Hiệu trưởng- Phó Trưởng Ban tổ chức Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Với vai trò to lớn của công nghệ Năng lượng - Điện tử- Tự động hóa, mặc dù được tổ chức lần đầu tiên, Hội nghị EEA 2024 tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội nghị đã nhận được hơn 200 bản thảo của các tác giả đến từ nhiều quốc gia trên Thế giới như: Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Mozambique, Pakistan… Điều đó đã khẳng định sự thành công của Hội thảo lần này như một diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học công bố các kết quả, định hướng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh qua đó, thúc đẩy năng lực nghiên cứu, liên kết và hợp tác trong các lĩnh vực giữa các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo đã được nghe các diễn giả, nhà khoa học trình bày các nội dung trong lĩnh vực Năng lượng - Điện tử- Tự động hóa như: Năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, mạng điện thông minh, kỹ thuật sản xuất thông minh, ứng dụng điện tử công suất trong các hệ thống năng lượng, Kỹ điện tử, viễn thông và điện tử y sinh, các công nghệ tiên tiến trong năng lượng, điện tử và tự động hóa…
Ngoài ra các diễn giả cũng đã có thảo luận sôi nổi, với nhiều câu hỏi quan tâm của các nhà khoa học, sinh viên về lĩnh vực này.
Đáng chú ý là 04 bài Keynote của các diễn giả: GS. Trần Đức Tân (Đại học Phenika) với chủ đề “Cảm nhận thông minh và một số kỹ thuật xử lý tín hiệu trong kỹ thuật y sinh”, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh – một trong những lĩnh vực tiên phong trong thời đại Công nghệ số được ứng dụng trong y khoa, chẩn đoán hình ảnh. Bài diễn thuyết đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, sinh viên trong Hội nghị .
GS. Trần Đức Tân (Đại học Phenika) trình bày nội dung “Cảm nhận thông minh và một số kỹ thuật xử lý tín hiệu trong kỹ thuật y sinh”
TS. Phạm Hùng Cường – Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam – Nhật Bản (VJS) giới thiệu về “Xã hội Hydrogen”. Ông Dư Văn Toán – Viện Khoa học môi trưởng, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Giảng viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội” cũng gây chú ý với bài diễn thuyết với chủ đề : “Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, cơ hội phát triển cho Việt Nam”. Ông Nguyễn Bá Hoài – Phó Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia giới thiệu tới Hội nghị một góc nhìn tổng quan về các nguồn năng lượng tái tạo, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống điện và thị trường điện. Đồng thời đề xuất các giải pháp triển khai nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả các các nguồn năng lượng này.
Ông Nguyễn Bá Hoài giới thiệu tới Hội nghị một góc nhìn tổng quan về các nguồn năng lượng tái tạo, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống điện và thị trường điện.
Ở các phân ban chuyên môn và 1 ban Poster, các diễn giả, nhà khoa học, đông đảo sinh viên đã có những thảo luận sôi nổi với 80 báo cáo trực tiếp. 45 báo cáo Poster được trình bày tại Hội nghị có nội dung khoa học, súc tích, hình thức đẹp, được Ban tổ chức đánh giá cao.
Kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức đã thống nhất, lựa chọn, trao giải cho 08 báo cáo có nội dung xuất sắc, 08 báo cáo trình bày xuất sắc và 03 Poster xuất sắc nhất./.
TS. Nguyễn Văn Thiện- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trao giải Bài báo xuất sắc nhất
PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội trao giải Báo cáo xuất sắc nhất
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học, diễn giả của Hội thảo EEA 2024
Thứ Bảy, 12:52 22/06/2024
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội